Nhảy đến nội dung
x

Cuộc thi Quốc tế lần thứ nhất về nghiên cứu và thiết kế thiết bị bay không người lái (UAV) 2024 thành công tốt đẹp

Ngày 22/11/2024, tại Nhà thi đấu Trường Đại học Tôn Đức Thắng (TDTU) đã diễn ra Lễ bế mạc Cuộc thi quốc tế lần thứ nhất về nghiên cứu và thiết kế thiết bị bay không người lái (UAV Competition 2024), đánh dấu sự thành công của một cuộc thi khoa học công nghệ quy mô quốc tế lần đầu tiên tại Việt Nam trong lĩnh vực này.

Tham dự Lễ bế mạc, về phía khách mời và đại diện các trường có đội thi, có sự hiện diện của GS. Vaclav Snasel – Hiệu trưởng Trường Đại học Kỹ thuật Ostrava, Cộng hòa Séc; GS. Milan Adamek – Hiệu trưởng Trường đại học Tomas Bata; Cộng hòa Séc; TS. Nguyễn Thị Hải Hằng – Giám đốc Học viện Hàng không Việt Nam; PGS. TS. Lê Hiếu Giang, Quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM; Trung tướng, PGS.TS, NGƯT. Phan Xuân Tuy – Giám đốc Học viện Chính trị Công an nhân dân; ông Đinh Vũ Quốc Trung - Giám đốc Học viện đào tạo FPT Software khu vực miền Nam … cùng đại diện lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà tài trợ.

Về phía TDTU, có sự hiện diện của TS. Trần Trọng Đạo – Hiệu trưởng TDTU; TS. Võ Hoàng Duy – Phó Hiệu trưởng TDTU; cùng lãnh đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc TDTU cùng hơn 500 sinh viên đến từ các trường đại học trong và ngoài nước tham gia cổ vũ các đội thi.

 

uav_bemac
TS. Trần Trọng Đạo – Hiệu trưởng TDTU phát biểu bế mạc Cuộc thi

Cuộc thi kết thúc tốt đẹp, thu hút sự quan tâm của cộng đồng sinh viên; tạo nên tiếng vang lớn cho hoạt động nghiên cứu ứng dụng UAV trong các trường đại học Việt Nam. Cuộc thi không chỉ thúc đẩy đam mê nghiên cứu khoa học trong sinh viên mà còn mở ra cơ hội hợp tác quốc tế, góp phần thúc đẩy tiến bộ công nghệ và giáo dục toàn cầu.

Cùng ngày, sau khi Cuộc thi kết thúc thành công tốt đẹp, các trường thành viên sáng lập Cuộc thi đã thống nhất về việc tổ chức “Cuộc thi Quốc tế thiết kế và chế tạo thiết bị bay không người lái UAV lần thứ 2” sẽ diễn ra tại Trường Đại học Kỹ thuật Ostrava (Cộng hòa Séc) vào tháng 6 năm 2025; với quy mô dự kiến có khoảng 25 đội thi của 10-15 trường đại học tham dự, từ các quốc gia Việt Nam, CH Séc, Slovakia, Balan, Hà Lan, Pháp… Cuộc thi lần 2 sẽ được tổ chức với các chủ đề mang xu hướng mới trong lĩnh vực thiết kế UAV như: tối ưu hóa sử dụng năng lượng của UAV, dẫn đường và định vị thông minh cho UAV, giảm phát thải Carbon trong hàng không với Hydrogen, thiết kế IC chuyên dụng cho các ứng dụng UAV trong nông nghiệp, quân sự, giám sát môi trường, ...

Kết thúc Cuộc thi lần thứ nhất, qua 2 ngày thi đấu với các trận đấu kịch tính giữa 9 đội thi, chung cuộc: Đội thi mang tên SkyVision đến từ đơn vị chủ nhà TDTU đã giành Giải Vô địch Cuộc thi; xếp Hạng 2 là đội SkyNetics cùng đến từ TDTU và Hạng 3 đã thuộc về đội Propellers đến từ Trường Đại học Kỹ thuật Ostrava (Cộng hòa Séc). Đội Šempa (Đại học Tomas Bata) đạt Giải Khuyến khích. Giải Sáng tạo thuộc về Đội VAERO (Học viện Hàng không Việt Nam).

uav_bemac
Đội SkyVision (TDTU) đạt Giải Vô địch
uav_bemac
Đội SkyNetics (TDTU) đạt Giải Nhì
uav_bemac
Đội Propellers (Trường Đại học Kỹ thuật Ostrava, Cộng hòa Séc) đạt Giải Ba
uav_bemac
Đội Šempa (Đại học Tomass Bata, Cộng hòa Séc) đạt Giải Khuyến khích
uav_bemac
Đội VAERO (Học viện Hàng không Việt Nam) đạt Giải Sáng tạo

Cuộc thi quốc tế lần thứ nhất do Trường Đại học Tôn Đức Thắng (TDTU) khởi xướng, đồng sáng lập cùng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, Học viện Hàng không Việt Nam và các trường đại học hàng đầu từ Cộng hòa Séc như Đại học Kỹ thuật Ostrava và Đại học Tomas Bata tổ chức.

Chủ đề của cuộc thi năm 2024 là “Định vị và thả” (Navigate and drop), với mục đích phát triển một hệ thống thiết bị bay không người lái, cho phép thả hoặc bắn các quả bóng trúng các mục tiêu trên mặt đất. Năm mục tiêu bao gồm 4 mục tiêu thả bóng (drop target) và 01 mục tiêu khung thành (goal target), mỗi mục tiêu có đường kính khác nhau và các UAV phải thực hiện việc thả hoặc bắn các trái banh từ cao độ nhất định so với mục tiêu (trên 5m so với mặt sàn nhà thi đấu) với độ chính xác cao nhất có thể. Chủ đề này xuất phát từ ý tưởng dùng các thiết bị UAV để vận chuyển hàng hóa, vật dụng cứu trợ đến các khu vực bị cô lập (do thiên tai, hỏa hoạn,…).